Vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý dự thảo luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Theo đó, tại khoản 1 và 2 điều 8 của dự thảo quy định về thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng (GTGT):
“Thời điểm xác định thuế GTGT đối với hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Thời điểm xác định thuế GTGT đối với dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền”.
Phát biểu tại hội thảo, luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, cần xem xét lại quy định trên của dự thảo. Lý do mà luật sư đưa ra là do trên thực tế dù đã cung cấp dịch vụ đầy đủ, nhưng có những trường hợp bên cung cấp vẫn chưa thu hồi được tiền mà đã phải đóng tiền thuế thì chưa phù hợp.
Luật sư Hòa dẫn chứng, có vụ án ở Trọng tài thương mại xét xử xong rồi mà đương sự chưa thanh toán hợp đồng lên đến 7,5 tỉ đồng, nhưng lại bị thu thuế.
Không đồng tình với quan điểm trên, theo thượng tá Nguyễn Minh Tâm (Công an TP.HCM): “Người mua phải thanh toán tiền, mới tính thuế thì Nhà nước muôn đời không thu được thuế”.
Trao đổi với Báo Thanh Niên, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia Việt Nam) cho hay, thời điểm xác định Thuế GTGT theo quy định tại dự thảo là có cơ sở để đảm bảo nghĩa vụ nộp thuế.
Cũng theo luật sư, về bản chất, thuế GTGT là loại thuế gián thu, theo đó người chịu thuế phần lớn là cá nhân mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ. Còn doanh nghiệp được coi là người đại diện thu gom phần thuế của cá nhân nộp lại cho Nhà nước.
Tuy nhiên, theo ông Hậu vẫn còn một số điểm hạn chế, chưa khắc phục được dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của cá nhân, tổ chức. “Một số trường hợp Trung tâm trọng tài thương mại phải thanh toán cho Chi cục thuế khoản thuế GTGT khi giải quyết vụ việc tranh chấp, trước khi đương sự thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán cho trung tâm”, ông Hậu chia sẻ.
Để khắc phục được hạn chế trên, ông Hậu cho rằng, dự thảo luật nên bổ sung thêm một số trường hợp cụ thể về thời điểm tính thuế GTGT. Trong đó, quy định rõ về thời điểm xuất hóa đơn tính thuế GTGT đối với một số loại hình cụ thể, trong đó bao gồm cả loại hình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại.
Còn theo Ths Trần Minh Hiệp (ĐH Luật TP.HCM), cho rằng nội dung quy định về thời điểm xác định thuế GTGT theo điều 8 của dự thảo là không mới, và được áp dụng thống nhất trong thời gian qua.
Người mua đã nhận được hóa đơn và được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, làm giảm số tiền thuế phải nộp. Vì vậy, nếu người bán (người xuất hóa đơn) chưa nộp thuế VAT thì Nhà nước thất thu thuế, do chưa thu được nhưng lại được khấu trừ.
Trong khi đó, quan hệ thanh toán là thỏa thuận theo hợp đồng, hoặc chậm trễ thanh toán do tranh chấp giữa các bên, không liên quan đến nghĩa vụ thuế mà người kinh doanh phải thực hiện. Vì vậy, pháp luật Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đều quy định thời điểm tính thuế là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa.
Xét từ khía cạnh kinh doanh, người bán hàng chưa thu được tiền thuế VAT đã phải tự bỏ “tiền túi” để nộp trước cho Nhà nước là chưa hợp tình. Tuy nhiên, trên thực tế, không thể quy định khi nào người bán thu được tiền thì mới phát sinh thuế VAT đầu vào. Bởi vì, đối với các giao dịch thanh toán bằng tiền mặt, thì cơ quan thuế không có dữ liệu để xác định thời điểm thanh toán làm căn cứ xác định thời điểm phát sinh thuế VAT.
Từ những vướng mắc trên, theo Ths Hiệp chỉ có thể giải quyết được khi pháp luật quy định tất cả các giao dịch thanh toán từ mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đều được thanh toán qua tổ chức trung gian thanh toán (tổ chức tín dụng, ví điện tử…).
Theo Ths Hiệp, khi đó, mới xác định được chính xác thời điểm các bên thanh toán. Đồng thời, sửa đổi điều kiện khấu trừ thuế VAT đầu vào đối với người mua là từ thời điểm thanh toán cho người bán.
“Theo tôi, trong bối cảnh chưa thể quy định tất cả các giao dịch mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đều thanh toán qua ngân hàng thì nên chăng, cho phép doanh nghiệp trích lập dự phòng nợ khó đòi để bù đắp rủi ro từ việc người mua không trả tiền”, Ths Hiệp đề xuất.
TS Nguyễn Vinh Huy (Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM) cho rằng, quy định tại điều 8 của dự thảo Thuế GTGT phù hợp với thực tế. Vì có như vậy mới giúp cho cơ quan thuế thu đủ và đúng thời điểm để nộp vào ngân sách.
“Vẫn có những doanh nghiệp gặp phải khó khăn, khi khách hàng cố tình trì hoãn trong việc thanh toán công nợ, nhưng trường hợp này không nhiều. Khách hàng chây ì, mà khi ấy doanh nghiệp bán hàng đã xuất hóa đơn, khai và nộp thuế, thì đây là điều bất lợi cho họ. Tuy nhiên, trong trường hợp này, doanh nghiệp có quyền nộp đơn khởi kiện ra tòa để đòi tiền nợ và tiền lãi trả chậm”, TS Vinh Huy nói.
Thuế GTGT là gì?
Theo điều 2 của dự thảo luật Thuế GTGT (sửa đổi), thuế GTGT là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.
Tại điều 3 dự thảo, đối tượng chịu thuế là hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế GTGT, trừ các đối tượng quy định tại điều 5 của luật này.