Trả lời PV Báo điện tử VTC Information , chuyên gia vàng Trần Duy Phương nhận định, đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hoàn thành sứ mệnh bình ổn thị trường vàng miếng SJC trong nước. Cách đây hơn 4 tháng, khi chưa tổ chức đấu thầu vàng miếng và bán vàng miếng cho người dân thông qua Công ty SJC cùng các ngân hàng quốc doanh, giá vàng miếng SJC có lúc cao hơn giá vàng thế giới gần 20 triệu đồng/lượng. Nhưng hiện tại, giá vàng miếng SJC chỉ chênh lệch so với giá thế giới khoảng 4-5 triệu đồng/lượng.
“ Có thể nói NHNN đã thành công trong việc giảm khoảng cách của giá vàng trong nước so với thế giới. Vì thế đã đến lúc NHNN không cần tiếp tục bán vàng bình ổn thông qua các kênh phân phối như hiện tại “, ông Phương nêu ý kiến.
Cũng theo ông Phương, lượng vàng miếng SJC được NHNN tung ra thị trường trong suốt 4 tháng qua có thể lên tới khoảng 300.000 lượng, giúp thị trường đã hết “khát” vàng miếng. Những người có nhu cầu mua vàng với số lượng lớn cũng đã sở hữu đủ. Bằng chứng là thời gian trước, giá vàng trên “chợ đen” thường đắt hơn giá vàng do NHNN bán ra từ 2 – 4 triệu đồng/lượng. Nhưng giờ đây, khoảng cách này chỉ còn 1 triệu đồng/lượng, có nghĩa là nhu cầu về vàng miếng đã đến mức bão hòa.
” Chỉ một số người cần vàng gấp, không thể chờ mua từ ngân hàng mới chấp nhận mức chênh lệch giá đó “, ông Phương khẳng định.
Ông Phương cho rằng, với số lượng vàng miếng SJC đã cung ứng ra thị trường như trên, thị trường vàng hoàn toàn có thể tự vận hành theo quy luật cung – cầu mà không còn cần đến sự can thiệp của NHNN.
” NHNN nên rút về với vai trò quan sát và để cho nhiều hơn nữa các ngân hàng, doanh nghiệp thực hiện kinh doanh vàng miếng. Nếu có bất ổn thì sẽ can thiệp sau. Nhưng tôi cho rằng, ít nhất trong 6 tháng tiếp theo, thị trường vàng miếng sẽ ổn định, chỉ tăng giảm theo giá vàng thế giới và sẽ không bị chênh lệch quá lớn như trước “, ông Phương nêu quan điểm.
Nói về việc mới đây Vietcombank thông báo kéo dài thời gian trả vàng từ khi khách đăng ký mua thành công thêm 1 ngày, ông Phương cho rằng điều này không phải là làm khó người tiêu dùng mà là để phục vụ đúng, đủ nhu cầu. “ Nhu cầu về vàng không còn quá tải, gấp gáp như trước. Cũng không còn tình trạng bon chen, xếp hàng để được mua vàng miếng. Thậm chí còn có người đăng ký mua thành công nhưng không đến lấy vàng.
Do đó, để phục vụ đúng, đủ nhu cầu và đảm bảo an toàn tài chính, Vietcombank kéo dài thời gian thêm 1 ngày để khi có số lượng người mua vàng đăng ký, họ sẽ đăng ký với NHNN để lấy đủ số lượng vàng đó và đem giao cho khách. Điều này đảm bảo khách hàng nhận đủ số vàng, đồng thời giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng khi mà họ không cần phải lấy quá nhiều vàng, trước tình hình giá vẫn có nhiều biến động “, ông giải thích.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích, vàng miếng vẫn luôn là một nơi trú ẩn an toàn khi người dân muốn tích trữ tài sản. Trải qua các cuộc chiến tranh hay suy thoái kinh tế, vàng vẫn giữ được giá trị và không ngừng tăng lên. Tư duy “có tiền mua vàng” đã ngấm vào máu người dân từ rất lâu. Chứng khoán thì chỉ phát triển mấy chục năm nay, bất động sản không phải ai cũng có đủ tiền mà mua và đầu tư…Do đó, vàng vẫn là lựa chọn hàng đầu của đại đa số người dân, đặc biệt là dân lao động.
Vì thế, những quy định mà các ngân hàng đang đặt ra đều gây những khó khăn nhất định cho người mua vàng, có thể khiến nhiều người cho rằng nhà quản lý không muốn bán. “ Nếu giá vàng có giảm xuống 50 triệu đồng/lượng mà người dân khó mua thì cũng không có nghĩa lý gì nhiều “, ông Hiếu nói.
Lúc này sẽ có hai kịch bản. Thứ nhất, người muốn mua vàng sẽ từ bỏ việc mua vàng và đổ tiền vào các kênh đầu tư khác. Kịch bản thứ hai là người mua vàng sẽ tìm đến thị trường chợ đen, gây tình trạng khó kiểm soát cho cơ quan quản lý. ” Do đó, đã đến lúc để thị trường vàng vận hành theo quy luật cung cầu vốn có “, TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.