Các tác phẩm thuộc bộ sưu tập Dogma của nhà sưu tập Dominic Scriven được đưa ra công chúng vào lúc dư chấn của cơn bão Yagi vẫn đang sâu đậm trên Việt Nam và thế giới.
Bộ bưu thiếp kỷ niệm 1 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, có đóng dấu đã sử dụng đặc biệt và dấu hủy “HUE/2.9.1946”. Ảnh: Dogma Assortment
Ông vẫn quyết định tổ chức “Chế tác một thông điệp” tại không gian nghệ thuật của ông ở phường Thảo Điền (TP.HCM), là bởi “thông điệp của triển lãm này chính là thể hiện sự quyết tâm, kiên cường của dân tộc Việt Nam”.
Đó là những hiện vật trích từ bộ sưu tập mà Dominic Scriven đã bắt tay gầy dựng từ đầu những năm 1990 – cũng là thời gian ông đến Việt Nam, kinh doanh, rồi nói tiếng Việt thành thạo như người bản xứ.
Nhưng đây là lần đầu tiên, Dominic giới thiệu một phần của bộ sưu tập tem thư mà ông đã dành 10 năm qua để thực hiện quá trình tài liệu hóa tại Thụy Sĩ.
Tổng thể, bộ sưu tập Dogma bao gồm 52 cuốn catalogue về tem bưu chính, được biên soạn theo các cột mốc lịch sử trong giai đoạn từ 1945 – 1976.
Mỗi cuốn chứa khoảng 70 trang với xấp xỉ 150 mẫu tem. Trong lần giới thiệu này, 6 trong số 12 cuốn tem đã mang về Việt Nam được giới thiệu.
Bộ sưu tập có thiết kế tem gốc đầu tiên do Mặt trận Việt Minh ban hành là chân dung của chủ tịch Hồ Chí Minh do họa sĩ Nguyễn Sáng thiết kế.
Bộ sưu tập có thiết kế tem gốc đầu tiên do Mặt trận Việt Minh ban hành là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do họa sĩ Nguyễn Sáng thiết kế.
Các con tem được in bằng kỹ thuật in typo từ các khối gỗ, được in tại Bộ Tài chính, đặt tại Chính phủ lâm thời khu vực Bắc Bộ.
Sau đó, tem dần được in bằng phương pháp in thạch bản (in đá), một phương pháp in mà trong đó các thiết kế được vẽ lên một viên đá phẳng hoặc một miếng kim loại có bề mặt nhẵn.
Tuy vậy, các tem do Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa phát hành khi đó vẫn chưa được công nhận là có giá trị trong hệ thống bưu chính quốc tế.
Các tem này chỉ có giá trị ở miền Bắc và một số vùng miền Nam chưa bị Pháp chiếm đóng.
Một bưu thiếp có hình ảnh Lênin đi kèm với tem thư trị giá 5 xu, được đóng dấu đã sử dụng vào đúng ngày tem được phát hành, kỷ niệm 90 năm ngày sinh Lênin (1960). Ảnh: Dogma Assortment
Đây có thể coi là những con tem chuyên chở tuyên bố chủ quyền độc lập của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, vì chỉ các quốc gia có chủ quyền mới có quyền phát hành tem bưu chính.
Mặc dù sản xuất tem chủ yếu vẫn diễn ra chính trong nước Việt Nam, bộ sưu tập cũng có những bộ tem được in ở nơi khác.
Ví dụ như bộ tem được phát hành vào ngày 15-12-1968 để khẳng định tình hữu nghị Cuba – Việt Nam được in tại Nhà in Nhà nước Litho ở Havana, Cuba.
Dominic không muốn dùng từ “sở hữu” khi nói về mối quan hệ của mình với các tác phẩm trong bộ sưu tập Dogma mà ông đã sưu tập từ 30 năm nay.
Ông thích dùng từ “interact” hơn, như ông giải thích, là quan tâm, tìm hiểu và yêu thích. Nhìn lại hành trình, ông nói mình không “quá chiến lược” dưới góc độ nhà sưu tập, chủ yếu là do sự tình cờ và do sở thích.
Bộ hoàn chỉnh 4 tem đã được đục lỗ, kỷ niệm tinh thần đoàn kết hữu nghị giữa ba nước Việt – Trung – Xô (18-10-1954). Ảnh: Dogma Assortment
Ông bắt đầu sưu tập tranh cổ động khi là sinh viên ở Hà Nội. Những hình ảnh quá quen thuộc với người Việt Nam là điều thú vị trong mắt ông.
Tác phẩm đầu tiên ông mua là bức tranh có cô gái đang thả chim bồ câu bay lên, có ghi dòng chữ Thế giới phải hòa bình.
Sau tranh cổ động, ông sưu tập tem và mua những bộ tem tại các cuộc đấu giá châu Âu. “Tôi không gọi bộ sưu tập là assortment, mà gọi là kho lưu trữ (archive).
Hiện tôi lưu trữ chủ yếu ở Singapore, Thụy Sĩ, Anh, Mỹ…, mà chưa thể mang về vì không biết để đâu ở Việt Nam, chưa biết có nơi nào để lưu trữ”, ông cho biết.
Dominic luôn muốn kho lưu trữ của mình có sức sống.
Dogma Gallery mới chỉ chính thức hoạt động tháng 3-2023, là một không gian phi lợi nhuận, phi thương mại, với hai không gian trò chuyện, kho chứa tác phẩm và không gian trưng bày tác phẩm được sắp xếp như những ô nhỏ.
Ông hy vọng sẽ giới thiệu được các sáng tác nghệ thuật của Việt Nam được thực hiện trong những thập kỷ đầy biến động từ năm 1945 – 1985.
Dáng người cao lớn, âm vực giọng nói mạnh mẽ, mái tóc dài buộc túm đằng sau, Dominic sẽ ngay lập tức gây sự chú ý của những người mới lần đầu gặp.
Họ sẽ nhớ ông là ông Tây nói tiếng Việt giỏi đôi khi còn giỏi hơn người Việt (vì không phải người Việt Nam nào cũng có thể trình bày về các vấn đề kinh tế, tài chính, kinh doanh trôi chảy bằng tiếng Việt).
Bộ hoàn chỉnh 4 tem về dân tộc Mèo (1960 – bên trái) và Bản phác thảo phóng to của một thiết kế không được sử dụng, kỷ niệm Tết trồng cây (1962 – bên phải).
Nhà ngoại giao kỳ cựu Tôn Nữ Thị Ninh gọi Dominic Scriven là “ông Tây nước mắm”, Dominic (tên thường gọi là Dom) rất lấy làm thích thú.
Dominic sống và làm việc trong không gian trưng bày một phần bộ sưu tập của mình.
Năm nay, Dragon Capital kỷ niệm 30 năm thành lập và hoạt động tại Việt Nam. Văn phòng có những đặc trưng không trộn lẫn của người sáng lập.
Đó là những thông điệp mà các tác phẩm được trưng bày trong không gian này gợi nhớ đến.
Bức vẽ cổ động “Phải hòa bình” treo ngay ở cửa ra vào: trên nền đen nổi bật hai cánh tay với hai bàn tay hướng lên bầu trời, mặt trăng tròn vành vạnh, con chim bồ câu đang bay mải miết, khẩu súng dựng thẳng đứng.
Việt Nam đã trải qua những giai đoạn lịch sử khốc liệt để có những những năm tháng hòa bình như hiện nay.
Bên trong một phòng họp là bức hình phóng to từ một con tem kỷ niệm 25 năm Nam Bộ kháng chiến (1965), với những người lính cả nam và nữ cầm súng đang lao mình về phía trước, sau lưng là chợ Bến Thành.
Hỏi ông rằng, tác phẩm quan trọng nhất trong bộ sưu tập dưới góc nhìn của ông là gì, ông trả lời: “Không thể tìm được. Vì giống như hỏi cha mẹ rằng trong số những đứa con của họ, họ yêu ai nhất?”.
Triển lãm này (từ 15-9.2024 đến 10-1-2025 tại 27A Nguyễn Cừ, phường Thảo Điền, TP. Thủ Đức) cũng giới thiệu những họa sĩ vẽ tranh tuyên truyền nổi tiếng: Minh Phương, Sỹ Thiết và Dương Ánh. Minh Phương và Dương Ánh tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương.
Minh Phương sau đó gia nhập xưởng Tranh cổ động trung ương, hoạt động dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Thông tin.
Những bức tranh cổ động khi ấy được tạo ra bằng bất kỳ vật liệu nào có sẵn, chủ yếu là vẽ tay thay vì in hàng loạt, chất liệu phổ biến nhất là bột màu.
Triển lãm trưng bày những những bức tranh cỡ lớn cho thấy các họa sĩ đôi khi phải tận dụng những tờ giấy đã sử dụng một mặt cho các lớp học vẽ tĩnh vật, để vẽ tranh cổ động trên mặt giấy còn lại.
Tranh tuyên truyền sau đó nhanh chóng trở thành phong trào và “sân chơi” độc đáo thể hiện sự sáng tạo dưới sự chỉ đạo của Đảng.
KHỔNG LOAN