Gánh nặng ung thư đang tăng nhanh
Tại Hội thảo Phòng chống ung thư Hà Nội năm 2024 được tổ chức hôm nay 8.11, tiến sĩ, bác sĩ Bùi Vinh Quang, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, cho biết: theo báo cáo Globocan (cơ sở dữ liệu trực tuyến cung cấp số liệu thống kê ung thư toàn cầu), năm 2022, ước có 20 triệu ca ung thư mới và 9,7 triệu ca tử vong tại các quốc gia. Số người còn sống trong vòng 5 năm sau khi được chẩn đoán mắc ung thư là 53,5 triệu.
Cứ 5 người thì sẽ có 1 người mắc ung thư trong suốt cuộc đời. Nhóm 10 bệnh ung thư phổ biến nhất chiếm khoảng 2/3 tổng số ca mắc, nổi bật trong đó là: ung thư phổi, ung thư vú và ung thư đại tràng.
Dự báo gánh nặng ung thư, năm 2050 sẽ có hơn 35 triệu ca ung thư mới, so với ước tính 20 triệu ca vào năm 2022.
Gánh nặng ung thư toàn cầu đang tăng nhanh phản ánh quá trình già hóa và tăng trưởng dân số, cũng như những thay đổi trong việc tiếp xúc với các yếu tố rủi ro của con người, một số trong đó có liên quan đến phát triển kinh tế xã hội. Thuốc lá, rượu và béo phì là những yếu tố chính dẫn đến tỷ lệ mắc ung thư ngày càng tăng, trong khi ô nhiễm không khí vẫn là động lực chính của các yếu tố rủi ro môi trường.
Tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư tại Việt Nam ở mức cao
Theo Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, báo cáo Globocan năm 2022 cho thấy, tại Việt Nam tỷ suất mắc ung thư mới là 150,8/100.000 dân. Đồng thời, số ca tử vong do ung thư lên đến 120.184 ca. Đây là một tỷ lệ đáng báo động, đặt Việt Nam ở vị trí thứ 20 về tỷ lệ mắc mới tại châu Á, và thứ 101 trên toàn cầu. Vẫn còn nhiều người bệnh chỉ được phát hiện khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn, làm giảm hiệu quả điều trị và tăng chi phí điều trị là vấn đề đáng lo ngại với sức khỏe người bệnh.
Tỷ lệ tử vong do ung thư cao, đặc biệt là đối với các loại ung thư phổ biến như ung thư gan, phổi, dạ dày ở nam giới; và ung thư vú, phổi, gan ở nữ giới.
Các loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay, ở nam giới là: ung thư gan chiếm tỷ lệ cao nhất (19,7%), tiếp theo là ung thư phổi (17,7%) và ung thư dạ dày (11%).
Ở nữ giới, ung thư vú chiếm tỷ lệ cao nhất (28,9%), kế đến là ung thư phổi (8,7%) và ung thư đại trực tràng (8,7%).
Thông tin tại hội thảo cũng cho hay, gánh nặng kinh tế do ung thư là một vấn đề lớn, với chi phí điều trị ung thư mỗi năm tiêu tốn hàng trăm triệu USD. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới năm 2021, Việt Nam mất khoảng 2,91 triệu năm sống khỏe mạnh do tử vong sớm hoặc phải sống chung với tàn tật do ung thư.
Cũng trong năm 2021, chi tiêu y tế tại Việt Nam là 173 USD/người, trong đó một tỷ lệ đáng kể chi cho điều trị ung thư.
Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, với 2 đề án liên quan đến chuẩn đoán và điều trị ung thư dự kiến triển khai tại Hà Nội là đề án bệnh viện mũi nhọn trong chẩn đoán và điều trị ung thư và đề án bệnh viện cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, sẽ giúp mở rộng quy mô, đóng góp nhiều hơn cho chuyên ngành ung bướu.
Hội thảo phòng chống ung thư Hà Nội năm 2024 có gần 90 báo cáo khoa học của các báo cáo viên quốc tế và Việt Nam, cùng sự tham dự của hơn 500 chuyên gia. Các nội dung được trình bày tại hội thảo về lĩnh vực: phòng ngừa, tầm soát phát hiện sớm ung thư; tiến bộ trong ngoại khoa, xạ trị ung bướu; sinh học phân tử; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế; tâm lý học – xã hội học ung thư.