Tại tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, mục tiêu tổng quát của chương trình là nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân nhằm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy; hướng tới giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy.
Đồng thời, tổ chức phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về ma túy từ sớm, từ xa; không để Việt Nam trở thành địa bàn sản xuất, trung chuyển và tiêu thụ ma túy; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm ma túy.
Chương trình còn nhằm bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện, điều trị nghiện ma túy; hỗ trợ can thiệp y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý cho người nghiện ma túyngười sử dụng trái phép chất ma túy, người tham gia điều trị nghiện ma túyngười sau cai nghiện ma túy, người vi phạm pháp luật về ma túy thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
Từng bước giảm số người nghiện ma túyngười sử dụng trái phép chất ma túy; góp phần chăm sóc, bảo vệ tốt hơn quyền con người; xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Về giải pháp thực hiện chương trình, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, cần có cơ chế đặc thù trong quản lý, tổ chức thực hiện một số hoạt động. Cụ thể hỗ trợ trực tiếp cho cấp tỉnh, cấp huyện xây dựng, triển khai mô hình tổ chức thực hiện cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Trực tiếp xây dựng, tổ chức thực hiện thí điểm các mô hình quản lý, phòng ngừa tái nghiện và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện ma túy.
Cạnh đó, xây dựng cơ chế đặc thù về nội dung chi, mức chi trong xây dựng, tổ chức triển khai mô hình, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế người nghiện ma túyngười sau cai nghiện ma túy tại các địa phương.
Đáp ứng được kỳ vọng phòng chống ma túy
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cơ bản nhất trí với sự cần thiết trình Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm rà soát, đánh giá tính phù hợp của chương trình với Quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và hệ thống quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Cùng đó, phân tích các mục tiêu cụ thể và đề ra giải pháp thực hiện phù hợp nhằm bảo đảm tính khả thi và đạt hiệu quả.
Ủy ban Xã hội cũng đề nghị Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, phân tích, đánh giá, làm rõ các nội dung, hoạt động của các chương trình mục tiêu để đề xuất cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực các nội dung, hoạt động, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Ủy ban Xã hội đề nghị làm rõ giải pháp bảo đảm nguồn lực đáp ứng mục tiêu, các chỉ tiêu đặt ra của chương trình, cơ cấu vốn các dự án thành phần, cơ chế đặc thù phân bổ vốn phù hợp cho các địa phương chưa tự cân đối ngân sách và phức tạp về ma túy. Sự phù hợp giữa việc bố trí vốn của chương trình với dự toán ngân sách Nhà nước, kế hoạch tài chính ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, số vốn đề xuất chi cho chương trình còn hạn chế, cần cân nhắc, tính toán kỹ để sử dụng hợp lý, chi cho những nhiệm vụ thật trọng tâm, đảm bảo đem lại hiệu quả lớn.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh đây là chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa quan trọng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần làm rõ nguyên nhân, đưa ra giải pháp triệt để, căn cơ, dài hạn, triệt để phòng ngừa ma túy, thắt chặt kiểm soát tại các điểm nóng, các khu dịch vụ giải trí. Đồng thời, trong xây dựng chương trình, cần cân nhắc việc đặt chỉ tiêu hợp lý để đảm bảo hành động đáp ứng được kỳ vọng, đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần rà soát thận trọng, loại trừ những trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung với các chương trình mục tiêu quốc gia khác đang thực hiện. Cần nghiên cứu kỹ cơ chế phối hợp, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm của các bộ ngành để đảm bảo gọn đầu mối, giảm số lượng văn bản hướng dẫn, tăng cường phân cấp phân quyền, nâng cao hiệu quả thực thi.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết của Chương trình, cơ bản thống nhất với dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8.