Ngày 17-11, Tuổi Trẻ có bài viết “Vỡ mộng xuất khẩu lao động, bơ vơ giữa xứ người” phản ánh câu chuyện một nhóm lao động (quê Thanh Hóa) sau khi nộp tiền học tiếng, chi phí ăn uống, đi lại, mua sắm… tổng khoảng 200 triệu đồng mỗi người để sang đảo quốc sư tử Singapore làm đầu bếp, giúp việc….
Tuy nhiên trước ngày bay sang Singapore, nam nhân viên Công ty TNHH tư vấn Linh Khang (trụ sở tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội – do bà Phan Thị Lan Anh làm giám đốc) đã “lặn mất tăm”.
Đáng chú ý, có người đã bị nam nhân viên công ty này dụ dỗ sang tận Singapore nhưng sau nhiều ngày chờ đợi không có việc làm. Trở về nước, người lao động ròng rã từ Thanh Hóa ra Hà Nội để đòi tiền thì đã được vị nữ giám đốc “xuống nước” trả lại một phần chi phí nhưng dưới hình thức vay nợ.
Người nhận nợ là bà Nguyễn Thị Thu (ngoài 30 tuổi – nhân viên công ty) đại diện cho Trần Trung Đức (ngoài 20 tuổi, nhân viên công ty, cùng ở huyện Lục Yên, Yên Bái) trả tiền vay nợ cho người lao động.
Sau khi bài viết nói trên được đăng tải đã nhận được sự quan tâm của bạn đọc.
Trao đổi với Tuổi Trẻ On-line, đại diện Cục Quản lý lao động nước ngoài (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) khuyến cáo để tránh bị lừa, người lao động trực tiếp nộp tiền dịch vụ tại doanh nghiệp sau khi ký hợp đồng, không nộp tại chi nhánh.
Khi nộp tiền yêu cầu công ty dịch vụ cấp phiếu thu tiền hoặc hóa đơn có nội dung tên đầy đủ của công ty, ngày lập chứng từ, người nộp tiền, số tiền và nội dung nộp, kế toán, thủ quỹ và đóng dấu doanh nghiệp (ghi rõ họ tên, chức danh và ký nhận).
Trụ sở Công ty TNHH tư vấn Linh Khang ở Hà Nội và nam nhân viên Trần Trung Đức (20 tuổi, quê ở huyện Lục Yên, Yên Bái) “lặn” sau khi “thả” người lao động xuống đảo quốc sư tử Singapore đã bị người dân đăng hình lên mạng “truy tìm” – Ảnh: Q.THẾ, nguồn Fb
“Trong trường hợp vì lý do khách quan, người lao động không thể nộp tiền trực tiếp tại doanh nghiệp mà nộp bằng hình thức chuyển khoản, cần kiểm tra kỹ thông tin để đảm bảo số tài khoản nhận tiền, tên tài khoản đúng của doanh nghiệp dịch vụ”, đại diện Cục Quản lý lao động nước ngoài cho hay.
Theo đại diện Cục Quản lý lao động nước ngoài, khi có vấn đề phát sinh liên quan đến công ty dịch vụ, đối tượng mạo danh nhân viên công ty dịch vụ, đề nghị phản ánh tới đơn vị này, sở lao động – thương binh và xã hội các địa phương, cơ quan chức năng để được hướng dẫn, xử lý.
Trước đó ngày 16-5, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có văn bản số 2045 gửi các địa phương phối hợp thông tin ngăn chặn tình trạng lừa đảo đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Úc trong ngành nông nghiệp.
Đến ngày 24-9, Cục Quản lý lao động nước ngoài tiếp tục có thông tin cảnh báo tình trạng lừa đảo người lao động làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình lao động thời vụ diện visa E8.
Đại diện Cục Quản lý lao động nước ngoài khuyến cáo để biết thông tin doanh nghiệp đã được cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hay chưa thì người dân vào trang thông tin điện tử http://dolab.molisa.gov.vn, tại mục Danh sách doanh nghiệp XKLĐ để tra cứu.
Nhận tiền, tổ chức xuất cảnh cho người lao động rồi “lặn” có dấu hiệu “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”
Trao đổi với Tuổi Trẻ On-line, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM) bày tỏ vụ việc nói trên cho thấy tầm quan trọng của việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Theo quy định hiện hành, chỉ doanh nghiệp được cấp phép mới được thực hiện dịch vụ này.
Việc Công ty TNHH tư vấn Linh Khang trụ sở tại Hà Nội không có giấy phép nhưng nhân viên vẫn giới thiệu, nhận tiền, tổ chức xuất cảnh cho người lao động rồi “lặn” có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đặc biệt là hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo luật sư Thảo, người lao động cần thận trọng, kiểm tra kỹ thông tin doanh nghiệp trước khi ký hợp đồng, nộp tiền. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường siết chặt quản lý, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.