Giáo sư Ron Boschma từ Đại học Utrecht (Hà Lan) đã có những chia sẻ tại Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 6 về lãnh đạo học và chính sách công vừa diễn ra ở TP.HCM (VSLP 2024) về con đường thoát bẫy phát triển đô thị của TP.HCM.
Với đề tài “Bẫy phát triển đô thị: Kinh nghiệm tại châu Âu và gợi mở cho Việt Nam”, ông cho rằng TP.HCM cần có sự đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục, nghiên cứu, và phát triển thể chế. Những khoản đầu tư này có thể tạo điều kiện cho các thành phố chuyển dịch từ những ngành đơn giản sang các lĩnh vực công nghệ cao và công nghiệp sáng tạo.
Bẫy phát triển đô thị đến từ đâu?
Theo giáo sư Ron Boschma, nhiều quốc gia đang phải đối mặt với vấn đề bẫy thu nhập trung bình và bẫy phát triển đô thị. Nếu chỉ bắt chước các quốc gia đi trước, không có sự đổi mới, sáng tạo, tìm lối đi riêng cho mình thì nhiều khu vực rất khó phát triển thêm.
Có ba loại bẫy phát triển đô thị được xác định. Trong đó, bẫy cấu trúc là bẫy nghiêm trọng nhất, xảy ra khi sự liên quan của ngành nghề, khu vực ở mức trung bình và độ phức tạp của chúng trung bình thấp. Điều này khiến khu vực thiếu cơ hội đa dạng hóa và dễ bị đình trệ.
Thứ hai là bẫy phức tạp thấp, dùng chỉ một thành phố hay khu vực có mật độ liên quan cao nhưng độ phức tạp thấp. Mặc dù có nhiều cơ hội để phát triển, nhưng chúng chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp có độ phức tạp thấp, hạn chế khả năng chuyển đổi sang các ngành phức tạp hơn, làm giảm khả năng phát triển kinh tế và tăng trưởng bền vững.
Cuối cùng là bẫy mật độ liên quan thấp. Một số khu vực có độ phức tạp cao nhưng mật độ liên quan thấp, dẫn đến sự hạn chế trong việc mở rộng sang các lĩnh vực mới. Các khu vực này có các hoạt động phức tạp nhưng không thể chuyển đổi dễ dàng sang các ngành khác, gây ra sự kém linh hoạt và dễ bị tổn thương.
Điều này được giải thích một thành phố cùng tồn tại nhiều ngành công nghiệp có thể thúc đẩy tăng trưởng vùng thông qua việc chia sẻ kiến thức và khả năng bổ trợ lẫn nhau. Tuy nhiên, thực tế là một số thành phố đang bị giới hạn trong các ngành công nghiệp và hoạt động có mức độ phức tạp thấp, làm giảm khả năng phát triển kinh tế và tăng trưởng bền vững. Đây là cây chuyện mà TP.HCM đã nhận diện được và đang dịch chuyển.
TP.HCM cần làm gì?
Giáo sư Ron Boschma nhấn mạnh sự lan tỏa của các ngành công nghiệp và tầm quan trọng của liên kết trong phát triển kinh tế vùng để thúc đẩy phát triển đô thị. Vậy một thành phố với vai trò đầu tàu của khu vực Đông Nam Bộ như TP.HCM, cần lựa chọn chính sách gì để tránh bị mắc kẹt “bẫy phức tạp thấp”?
Các thành phố cần tận dụng cơ hội phát triển các hoạt động có phức tạp thấp. Ông lưu ý việc tập trung vào các hoạt động “xanh” – các hoạt động có thể không yêu cầu độ phức tạp cao nhưng đang là xu hướng phát triển bền vững, chẳng hạn như công nghệ xanh và năng lượng tái tạo.
Đây có thể là bước đi an toàn và thực tế giúp các thành phố có thể thoát khỏi bẫy phức tạp thấp mà vẫn đảm bảo tính bền vững. Dù hiếm, một số ít cơ hội có độ phức tạp cao vẫn tồn tại, và việc định hướng để khai thác những cơ hội này có thể tạo ra những thay đổi đáng kể.
Việc phát triển các ngành công nghiệp và công nghệ tiên tiến có thể giúp thành phố tạo nền tảng cho những ngành có giá trị cao hơn, từ đó thu hút đầu tư và lao động có kỹ năng cao.
Ông Boschma cho rằng cần có sự đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục, nghiên cứu, và phát triển thể chế. Đây là những yếu tố nền tảng, giúp chuẩn bị lực lượng lao động và hệ thống cơ sở hạ tầng kiến thức sẵn sàng cho việc tham gia vào các ngành công nghiệp phức tạp hơn.
Những khoản đầu tư này có thể tạo điều kiện cho các thành phố chuyển dịch từ những ngành đơn giản sang các lĩnh vực công nghệ cao và công nghiệp sáng tạo.
“Đây không chỉ là vấn đề phát triển kinh tế, mà còn là bước đi quan trọng để tránh rơi vào trạng thái trì trệ kinh tế dài hạn do thiếu sự đa dạng và đổi mới trong hệ sinh thái công nghiệp”, giáo sư người Hà Lan nhấn mạnh.
Với chủ đề “Xây dựng chính sách về phát triển vùng: Kinh nghiệm quốc tế về tổ chức không gian và quản lý công”, Hội thảo khoa học quốc tế VSLP 2024 đã thu hút hơn 40 học giả, chuyên gia, nhà nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách từ 12 quốc gia có mặt ở TP.HCM để trao đổi kiến thức và chuyên môn.
Đây là sự kiện khoa học được tổ chức bởi AVSE World – Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (Pháp), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, và Học viện Chính trị khu vực II, cùng với sự hợp tác của Đại học RMIT Việt Nam, Đại học Thành phố Hong Kong và Trường Kinh doanh Audencia (Pháp).