Các app (ứng dụng) cài đặt trên điện thoại, máy tính được dùng để việc quản lý dạy học, liên lạc giữa nhà trường và gia đình được thuận tiện, nhanh chóng, hiệu quả hơn. Nhưng có vẻ như phụ huynh đang bị ‘bội thực’ với app trong trường học. Và công nghệ, thay vì hỗ trợ, lại thành khổ sở cho người dùng.
Tốn phí, ít dùng nhưng vẫn phải cài app
Chị Thảo có ba con đang học tại ba trường phổ thông khác nhau ở TP.HCM. Chị cho biết trên điện thoại của mình hiện có ba app để quản lý việc học của con. Đồng thời trên điện thoại của chồng chị Thảo cũng có thêm ba app nữa cũng để theo dõi, quản lý việc học của con. Riêng đứa con lớn, chị để con tự theo dõi các app nhà trường yêu cầu cài đặt để học bài, báo bài, theo dõi đóng học phí.
Chị Thảo kể, với con gái học lớp 4, chị được trường yêu cầu cài đặt và sử dụng ba ứng dụng: K12 on-line, Enetviet và một app thanh toán học phí. “Những app này tôi không biết sử dụng ra sao, chỉ cài cho có. Báo bài thì con đã ghi ở vở báo bài, liên lạc với cô giáo thì qua điện thoại và qua group phụ huynh. App thanh toán học phí tôi không biết thanh toán ra sao, thành thử chỉ cài mà ít dùng” – chị Thảo nói thêm.
Có con đang học lớp 6, chị Phương (TP.HCM) cũng “khổ nhất” là đóng tiền cho con phải qua app và mất phí. “Tôi đóng bảo hiểm y tế cho con, nhưng trường không thu trực tiếp mà yêu cầu qua app. Tiền bảo hiểm y tế không bao nhiêu nhưng đóng qua app mất phí 5.000 đồng” – chị Phương kể.
Chị Tuyết – phụ huynh có hai con ở TP.HCM – cũng cho biết không thể dùng một số điện thoại để tải các app quản lý học tập của con khiến chị không kiểm soát được việc học của hai con cùng lúc. “Chồng tôi đi làm suốt. Tôi chủ yếu ở nhà nội trợ, đưa đón con. Tôi không thể dùng một điện thoại để tải các loại app của hai con cùng lúc. Tôi phải sắm hai cái điện thoại, tải app để xem con học hành ra sao, thật bất tiện” – chị Tuyết than.
Trong khi đó, chị Tâm – một phụ huynh có hai con ở TP.HCM – cũng rối với nhiều loại app ở trường. “Tôi không biết cái nào dùng để con xem bài on-line, cái nào dùng để điểm danh, xin nghỉ học, cái nào thì dùng đóng học phí. Vì nhiều mật khẩu nên tôi cứ quên hoài” – chị Tâm tâm sự.
Nhiều phụ huynh cho biết những loại app kể trên không có nhiều tác dụng. Phụ huynh vẫn liên lạc với giáo viên, nhà trường thông qua group phụ huynh và những kết nối khác. Ví dụ như sổ liên lạc điện tử, nhiều phụ huynh cài nhưng mỗi tháng chỉ dùng 1 lần. Xem điểm mỗi học kỳ mấy lần nhưng vẫn làm một cái app rất lãng phí.
Mỗi trường một kiểu
Khảo sát của Tuổi Trẻ ở một số trường phổ thông tại TP.HCM cho thấy mỗi trường chọn một loại app riêng về sổ liên lạc điện tử, thông báo thông tin nhà trường, xem điểm, làm bài tập, đóng học phí… Có ba con học ở ba trường khác nhau tại TP.HCM, anh Tiến cho biết đứa con lớn của anh dùng app Vnedu, đứa thứ hai thì dùng app Vietschool, đứa con thứ ba thì dùng Enetviet…
Thị trường app quản lý học sinh có nhiều các loại ứng dụng khác như Smas, Sflink… Các loại app này có các chức năng như quản lý học sinh, điểm danh học sinh, báo bài, báo thực đơn, báo điểm, xin nghỉ học cho học sinh…
Khi thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhiều trường dùng app để phụ huynh thanh toán học phí cho con và các loại phí khác ở trường qua cổng này. Có thể kể đến những loại app thanh toán học phí như SSC, ZOZO…
Một hệ thống các loại app khác được các trường sử dụng để giao bài tập về nhà cho học sinh hoặc thêm các loại bài vở hoặc ôn tập cho học sinh như ứng dụng K12 on-line, LMS…
“Trường con tôi năm ngoái dùng app khác, năm nay đổi loại khác. Tôi cũng không biết vì sao lại đổi nhưng rất khó cho phụ huynh. Chúng tôi hy vọng có một loại app tích hợp các công dụng, tính năng thông báo tin tức học sinh, điểm danh, thanh toán tiền và thực hiện bài tập thì tốt” – một phụ huynh bậc THCS cho biết.
Trường học lựa chọn app như thế nào?
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại TP.HCM cho biết sau thời gian dài sử dụng sổ liên lạc điện tử và phần mềm thanh toán học phí, trường này phải tính đến việc thay đổi cách dùng để tiện cho phụ huynh.
“Phụ huynh kêu phần mềm thanh toán vừa khó cài đặt, vừa tính phí, sổ liên lạc điện tử mỗi năm chỉ dùng mấy lần. Do đó trường tìm cách khác cho phù hợp. Chúng tôi khảo sát ý kiến, cho phụ huynh chọn thanh toán qua app hoặc chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản nhà trường. Dùng app ở trường chúng tôi khuyến khích chứ không bắt buộc” – vị hiệu trưởng này cho biết.
Cô Trần Thúy An – hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức, quận 1 – cho biết trong bối cảnh chuyển đổi số, từ lâu trường đã để phụ huynh dùng các app theo dõi việc học cũng như thông báo từ trường.
“Trường chọn app dựa trên giá cả rẻ nhất cho học sinh nhưng tương thích được với loại app trường đang sử dụng. Bên cạnh đó, trường phải phân công đội ngũ thực hiện app để kết nối, hỗ trợ với phụ huynh. Giáo viên phải thực hiện thông tin trên app, cập nhật để sử dụng hiệu quả. Khi hiệu quả rồi, phụ huynh sẽ thấy những loại app hữu ích và sử dụng”, cô An thông tin.
Một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết sở này có văn bản thông báo những đơn vị, công ty, doanh nghiệp đang có các phần mềm, ứng dụng quản lý học sinh, thanh toán… có chất lượng để các trường chọn lựa sử dụng trong nhà trường dựa trên nhu cầu của học sinh.
Có trường sẽ dùng hình thức đấu thầu và có trường dùng nhiều app nhưng cũng có những trường không dùng app trong quản lý học sinh. Tuy nhiên, mức thu các app này được giới hạn trong các khoản thu của nhà trường, hiện nay ở mức dưới 110.000 đồng/tháng.
Tiến sĩ Trần Hạo Anh (cố vấn ESG – môi trường – xã hội – quản trị doanh nghiệp, Công ty Agrotect):
Nên thống nhất thành một app
Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu giáo dục quốc tế, sự giao tiếp hiệu quả giữa nhà trường – giáo viên và gia đình góp phần vào thành công về mặt học tập, xã hội và cảm xúc của tất cả học sinh.
Trong những năm gần đây, việc sử dụng công nghệ đã đóng vai trò lớn trong việc thực hiện những gì cần thiết để xây dựng mối quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên dựa trên sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau.
Ngay tại Việt Nam, hầu hết các trường đều có nền tảng quản lý riêng, dần trở thành một kênh liên lạc không thể thiếu giữa nhà trường và gia đình ở toàn bộ các cấp học.
Tuy vậy hiện tại các hệ thống này đều ít nhiều có những hạn chế riêng. Cụ thể đó là tình trạng mỗi trường mỗi app, cập nhật và lỗi liên tục khiến giáo viên, phụ huynh phải xài cùng lúc quá nhiều app, gây rối. Từ đó lại khiến công việc chuyển đổi số thay vì nhanh lại trở thành chậm và gây phản ứng ngược.
Chính vì vậy mặc dù có app trường nhưng mọi người lại phải sử dụng nhiều app khác nhau do nền tảng của trường không đáp ứng được chức năng. Chẳng hạn như nhiều trường liên lạc, trao đổi qua Zalo; nhiều trường dùng Groups để giao bài; ngoài ra còn các app khác… Đó là chưa kể mỗi cấp học sẽ có những yêu cầu khác nhau, và trình độ của người sử dụng (học sinh) cũng khác nhau.
Do đó việc thống nhất thành một app (chỉ thay đổi giao diện cho phù hợp từng trường, từng thương hiệu…) sẽ giúp phụ huynh và học sinh dễ tiếp cận. Từ đó cũng dễ dàng kết nối đến các chương trình liên quan như tư vấn định hướng nghề nghiệp – du học…
Tuy nhiên với kinh nghiệm làm việc tại các công ty công nghệ, tôi hiểu rằng việc thiết kế và vận hành một nền tảng như vậy cần rất nhiều nguồn lực. Chính vì vậy các giải pháp này có thể xã hội hóa để các công ty chuyên về công nghệ thiết kế và vận hành dưới sự quản lý và điều chỉnh của cơ quan nhà nước.
Theo đó các bên cũng sẽ được lợi ích nhiều hơn, ví dụ như nền tảng cloud (đám mây) một dịch vụ có thể dùng cho nhiều trường sẽ hiệu quả hơn về chi phí, đồng thời công tác bảo dưỡng bảo trì, cập nhật tính năng mới cũng sẽ trơn tru hơn…
Ông Võ Đỗ Thắng (giám đốc trung tâm tư vấn và đào tạo an ninh mạng ATHENA):
App có thực sự cần thiết không?
Tôi thấy những loại app trong trường học hiện không phù hợp với lứa tuổi học sinh nhỏ tuổi như tiểu học. Những loại app chỉ nên sử dụng với học sinh THPT và sinh viên, khi các em được dùng điện thoại rồi.
App không chỉ khiến phụ huynh mất thêm một khoản tiền, có quá nhiều app còn khiến phụ huynh chỉ quan tâm trên app. Việc này nếu thường xuyên còn khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái mất đi sự quan tâm và mật thiết vốn có. Khi có app, phụ huynh thường theo dõi app, còn con thì cứ ôm điện thoại.
App có thực sự cần thiết hay không? App nếu chỉ để mỗi năm học sinh có mấy lần xem điểm, làm đơn xin nghỉ phép, theo dõi thực đơn, điểm danh… thì không nên có app làm gì. Vì hiện nay học sinh học hai buổi/ngày, sáng ba mẹ đưa đến trường, chiều cha mẹ đón về. Chúng ta cần thiết thì gọi điện thoại, cần gấp thì phải liên hệ giáo viên, nhà trường. Tại sao lại phải dùng app để tính thêm phí, nên tôi cho rằng dịch vụ này chưa cần với lứa tuổi nhỏ.
Các nước: tích hợp đơn giản cho phụ huynh
Tại Mỹ, việc sử dụng app trong giáo dục nhằm tăng cường kết nối giữa nhà trường và phụ huynh khá phổ biến. Một số ứng dụng thường gặp như ClassDojo (được nhiều trường tiểu học sử dụng để chia sẻ thông tin về hành vi và tiến độ học tập của học sinh), Remind (phổ biến trong việc gửi thông báo nhanh chóng giữa giáo viên và phụ huynh), Seesaw (cho phép học sinh chia sẻ công việc của mình với phụ huynh và tạo tương tác giữa giáo viên, học sinh và phụ huynh).
Chính sách sử dụng ứng dụng giáo dục có thể khác nhau tùy thuộc vào quy định của từng bang và khu học chánh (college district). Một số khu học chánh có thể lựa chọn ứng dụng duy nhất để tiêu chuẩn hóa việc giao tiếp, trong khi các khu vực khác cho phép từng trường hoặc giáo viên tự quyết định công cụ phù hợp.
Ví dụ khu học chánh Los Angeles (California) thường sử dụng ứng dụng Schoology làm một nền tảng học tập và giao tiếp chính thức, giúp phụ huynh theo dõi tiến độ học tập và nhận thông báo từ trường. Hay khu học chánh Fairfax (Virginia) dùng Blackboard quản lý học tập, cung cấp thông tin về lịch học, bài tập và thông báo cho phụ huynh.
Tại Úc, ứng dụng Seesaw cũng được nhiều trường sử dụng. Giáo viên tiểu học đăng các hoạt động trong ngày dưới dạng văn bản, hình ảnh và video để chia sẻ với gia đình. Bên cạnh đó, ứng dụng Compass được nhiều trường học sử dụng để quản lý thông tin học sinh, chia sẻ lịch học, điểm số và thông báo với phụ huynh.
Tại Singapore, hai ứng dụng phổ biến được các trường từng hoặc đang sử dụng là MC On-line và PHX Sensible College. Với MC On-line (Marshall Cavendish On-line), một số trường áp dụng phần mềm tương tác để cung cấp bài học và hoạt động trực tuyến, cho phép giáo viên theo dõi tiến độ học tập và thông tin đến phụ huynh. Còn PHX Sensible College giúp phụ huynh theo dõi kết quả học tập, đăng ký học kỳ mới, thanh toán học phí và đăng ký các hoạt động ngoại khóa cho con.
Một điểm chung tại Mỹ, Úc và Singapore là việc sử dụng các app không phải là quy định bắt buộc và có sự khác biệt giữa các bang hoặc địa phương hoặc từng trường học. Việc yêu cầu phụ huynh sử dụng nhiều ứng dụng thường không phổ biến, nhằm tránh gây phiền hà và phức tạp. Các trường thường cố gắng tích hợp các chức năng vào một hoặc hai nền tảng chính để đảm bảo sự thuận tiện và hiệu quả trong việc liên lạc với phụ huynh.