Với sự chủ trì của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS), liên minh thương mại điện tử bao gồm TikTok Store Việt Nam, Công ty Home of Deera (chuyên đào tạo về nghề bán hàng on-line), Trường đại học Kinh tế – Luật, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cùng ký biên bản ghi nhớ hợp tác.
Hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm
Mục tiêu của liên minh này là xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam vững mạnh, tăng cường sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt trên thị trường trực tuyến.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cho biết sự phát triển của thương mại điện tử gắn với xu hướng bán hàng livestream đang nhìn nhận vai trò ngày càng cao hơn của các KOL, KOC.
Mới đây VECOM đã cho ra mắt Chi hội KOL và KOC để tổ chức và quản lý các hoạt động tiếp thị số, góp phần xây dựng uy tín cho các thương hiệu trong nước.
Cũng theo ông Dũng mạng lưới các nhà sáng tạo nội dung (KOL, KOC) sẽ hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm một cách chuyên nghiệp và hiệu quả.
Ngoài ra hợp tác với KOL và KOC còn giúp tạo trải nghiệm mua sắm đáng tin cậy và hấp dẫn cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên ông Dũng cũng nhấn mạnh việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, nhằm hạn chế các mặt hàng kém chất lượng.
Ông Trương Minh Huy Vũ, viện trưởng HIDS, cũng cho rằng sự xuất hiện của các nền tảng quốc tế như Temu, Shein thời gian gần đây tại Việt Nam đang đặt ra thách thức cạnh tranh lớn cho các doanh nghiệp nội địa.
Các nền tảng nước ngoài với lợi thế về giá cả và công nghệ đang đe dọa đến thị phần của doanh nghiệp Việt ngay tại sân nhà. “Từ đây cũng đặt ra chính sách cũng như năng lực sản xuất hàng hóa của doanh nghiệp Việt, đây mới là vấn đề cốt lõi”, ông Vũ nhận định.
Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, cho rằng để phát triển xuyên biên giới, doanh nghiệp Việt cần phải cải thiện năng lực sản xuất và quản lý sản phẩm.
“Các phiên livestream trên nền tảng chúng tôi thu hút hàng ngàn lượt xem, nhưng lúc này câu chuyện không chỉ liên quan đến công nghệ mà còn hệ sinh thái logistics, thanh toán không tiền mặt… Và trên hết là quyền lợi của người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa, trải nghiệm dịch vụ”, đại diện TikTok Việt Nam nhận định.
Liên minh thương mại điện tử mới hy vọng sẽ tạo động lực cho sự phát triển bền vững của ngành thương mại điện tử Việt Nam, giúp doanh nghiệp nội địa phát triển tốt hơn và cạnh tranh hiệu quả trên thị trường trực tuyến chuyển động nhanh.
4 mục tiêu cốt lõi
Liên minh thương mại điện tử – phát triển bền vững đặt ra bốn mục tiêu cốt lõi, gồm: kết nối, hỗ trợ, phát triển và đào tạo nhân sự.
Cụ thể, các bên liên quan sẽ cùng tạo dựng một cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau;
Cung cấp dịch vụ tư vấn và đào tạo, giúp doanh nghiệp nâng cao kỹ năng chuyển đổi số và phát triển kênh bán hàng trực tuyến. Quan trọng nhất trong hợp tác này tập trung mở rộng khả năng tiếp cận thị trường thương mại điện tử thông qua các nền tảng lớn.
Công tác đào tạo và quản lý các KOL/KOC (người bán hàng có ảnh hưởng lớn) cũng sẽ được triển khai, giúp doanh nghiệp tăng cường hiệu quả tiếp cận thị trường qua các nền tảng truyền thông xã hội.