Mới đây, một gia đình 4 người tại Cám Châu (Trung Quốc) đã bị phong tỏa toàn bộ tài khoản ngân hàng và các tài khoản thanh toán. Theo đó, đây là gia đình ông Giang (tên nhân vật đã được thay đổi) với 2 vợ chồng và 2 cô con gái bất ngờ nhận được tin nhắn thông báo tài khoản từ ngân hàng khi đang đi siêu thị. Đến khi tính tiền thì tất cả tài khoản ngân hàng, tài khoản thanh toán trên WeChat của ông đều không thể sử dụng.
Ông Giang gọi điện cho vợ và con gái để nhờ chuyển tiền hoặc ra siêu thị để thanh toán giúp mình thì càng bất ngờ hơn khi cả 3 mẹ con đều nhận được thông báo tương tự. Ông Giang vội vã chạy về nhà để xem xét sự việc sau đó ra đồn cảnh sát địa phương để trình báo sự việc.
Lúc này, cảnh sát mới thông báo rằng tài khoản ông Giang được xác định có liên quan trong đường dây lừa đảo qua mạng và bị nghi vấn được dùng để rửa tiền. Vì ông có dùng số tài khoản này để chuyển tiền cho vợ và 2 cô con gái nên các tài khoản trên cũng đã bị phong tỏa để điều tra.
Ông Giang lúc này đã nhận ra sự nghiêm trọng của vấn đề, lập tức ông đề xuất với cảnh sát khai báo thành thật và khẳng định mình không liên quan đến lừa đảo. Sau đó, cảnh sát hỏi về số tiền 6 triệu nhân dân tệ mà ông Giang nhận hồi tháng 9/2021 trong tài khoản của mình.
Ông Giang mới nhớ ra đúng là mình đã nhận một số tiền mà một người bạn thuở nhỏ tên Phùng nhờ nhận giúp. Ông Giang sau đó cho biết cả 2 dù đã không liên hệ từ lâu khi ông cưới vợ và chuyển lên thành phố sinh sống. Cách đây không lâu, ông được Phùng liên hệ và nói chuyện xã giao vài câu. Sau đó, đối phương có nhờ ông nhận giúp một khoản tiền làm lớn này. Dù có một số hoài nghi nhưng vì là bạn cũ nên ông Giang vẫn giúp đỡ bạn và nhận tiền hộ, chuyển trả sau đó. Ông Giang còn đưa ra bằng chứng về đoạn tin nhắn này.
Từ những manh mối mà ông Giang cung cấp, cảnh sát sau đó đã điều tra và lần ra đường dây lừa đảo được ngụy trang tinh vi. Đường dây lừa đảo này đã mở một “công ty ma” và sử dụng chiêu trò gọi điện, nhắn tin cho nhiều người, dụ dỗ các nạn nhân tải xuống phần mềm độc hại. Khi phần mềm này được tải xuống thiết bị di động hoặc máy tính, virus sẽ xâm nhập và lấy cắp tiền trong tài khoản.
Sau đó, tiền sẽ được gửi về nhiều số tài khoản khác nhau với thông tin giả để cảnh sát khó lòng lần theo manh mối của dòng tiền. Sau đó, chúng sẽ lợi dụng những người như ông Giang để “rửa tiền” qua nhiều tài khoản khác nhau rồi quay về tài khoản doanh nghiệp lừa đảo này.
Sau khi biết được gia đình ông Giang cũng chỉ là nạn nhân bị gài bẫy, cảnh sát đã ngay lập tức gỡ lệnh phong tỏa tài khoản của gia đình ông.
Qua trường hợp trên, cảnh sát cũng khuyến cáo người dân không nên tin tưởng người lạ, không nhận “giúp” số tiền lớn từ bất kỳ ai để tránh trở thành đồng phạm của kẻ lừa đảo.
Đặc biệt, tuyệt đối không bấm vào đường hyperlink lạ, không cung cấp thông tin cá nhân (tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã xác thực OTP) cho người lạ qua điện thoại. Nếu có phát hiện bất thường, nghi ngờ lừa đảo nên thông báo cho cơ quan chức năng sớm nhất để được hướng dẫn xử lý.