Năm 1948, nhà văn Nam Cao đi kháng chiến, từ chiến khu Việt Bắc, ông viết truyện ngắn Đôi mắt. Nhân vật chính trong truyện ngắn này có tên là Hoàng. Đó là một văn sĩ đã bỏ thành Hà Nội theo kháng chiến, nhưng anh ta có những suy nghĩ rất không “hợp thời”, như coi thường người nông dân, thích ăn ngon mặc đẹp, và có câu nói cửa miệng đã thành một “slogan” cho mình: “Giỏi đến thế là cùng! Tiên sư anh Tào Tháo!”
Không hiểu vì sao, khi truyện ngắn này được đưa vào sách giáo khoa và trở thành một tác phẩm nổi tiếng, thì người ta đã gán nhân vật Hoàng có nguyên mẫu là… nhà văn Vũ Bằng. Đó là một “nỗi oan giữa trời” tự nhiên buộc vào Vũ Bằng, khiến thời chúng tôi đi học phổ thông, nói tới nhân vật Hoàng trong Đôi mắt thì lập tức nghĩ ngay tới Vũ Bằng với những nét tính cách rất tiêu cực.
Văn học là hư cấu, không thể thô thiển gán nhân vật trong truyện với người thật ngoài đời, khiến người bị coi là nguyên mẫu phải chịu oan ức mà không biết giãi bày với ai.
Vũ Bằng là một nhà văn lớn, và là nhà báo xuất sắc, đầy cá tính. Tôi từng nghe nói ông mất rất âm thầm ở TP.HCM vào năm 1984. Năm nay, 2024 là kỷ niệm 40 năm ngày nhà văn Vũ Bằng qua đời.
Từ hồi ở chiến khu R, tôi đã được đọc Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng in nhiều kỳ trên Tạp chí Văn. Tôi mê mẩn với những hồi ức của Vũ Bằng về Hà Nội, về món ngon Hà Nội. Về cách sống, nếp sống của người Hà Nội ngày xưa. Tháng tám heo might, chim ngói bay về – đoạn văn này của Vũ Bằng trong Thương nhớ mười hai thật thăng hoa. Theo tôi, những nhà tu thư nên đưa đoạn văn này vào sách giáo khoa cho học sinh THCS đọc. Vì nó hay một cách hoàn hảo. Vậy thôi.
Cũng nghe nói, sau khi Vũ Bằng mất rất lâu, người ta bỗng phát hiện ra ông thuộc một nhánh của quân báo Việt Cộng. Té ra, ông là “VC” từ trước lúc vào Sài Gòn, tức là từ năm 1948, khi Nam Cao viết Đôi mắt. Vợ chồng ông “dinh tê” về Hà Nội để Vũ Bằng làm một nhiệm vụ bí mật của cách mạng. Mà không ai biết. Có lẽ vì thế Vũ Bằng đã phải tạo vỏ bọc, khiến người ta hiểu nhầm ông chăng? Dĩ nhiên, trừ người thuộc “đường dây đơn tuyến” mà ông tham gia, thì không thể nhầm được.
Sau năm 1975 thống nhất đất nước, rồi sau khi Vũ Bằng qua đời năm 1984, ông đã được truy tặng Huân chương kháng chiến, rồi truy tặng Giải thưởng văn học Nhà nước năm 2007. Huân chương thì thuộc về công trạng tham gia kháng chiến. Nhưng giải thưởng Nhà nước về văn học là tặng cho nhà văn Vũ Bằng với những tác phẩm để đời của ông, chứ không phải tặng vì ông là quân báo cách mạng. Điều này phải rạch ròi. Ví dù không tham gia quân báo, Vũ Bằng vẫn là nhà văn lớn.
Tiếc thay, khi Vũ Bằng đã được xóa “cái án giữa trời” là nguyên mẫu của nhân vật Hoàng trong Đôi mắt, thì Ông đã qua đời.
Trong một lần gặp gỡ với một nhà văn Hàn Quốc đang chống chọi với căn bệnh ung thư và đã dịch Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng ra tiếng Hàn, in ở Hàn Quốc, anh nói với tôi: “Tôi mê văn của Vũ Bằng trong Thương nhớ mười hai, và tôi đã quyết học tiếng Việt để dịch nó ra tiếng Hàn”.
Dĩ nhiên, anh đã phối hợp với một chuyên gia tiếng Việt là người đồng hương của mình để dịch cuốn sách này. Anh nói với tôi là độc giả Hàn Quốc rất thích Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng.
Đó là một thông tin bất ngờ, không chỉ với tôi, mà còn với nhiều người. Vì độc giả Việt khi đọc Thương nhớ mười hai đều rất thích, nhưng với độc giả các nước khác? Nay thì đã có câu trả lời. Với nhà văn hay nhà thơ, quan trọng nhất là tác phẩm, chứ không phải những chuyện bên lề, dù những chuyện này có “kỳ lạ” tới đâu.
Nam Cao đã từng lấy Vũ Bằng làm nguyên mẫu cho một truyện ngắn nổi tiếng của mình, truyện Đôi mắt. Nhưng đó vẫn không phải là Vũ Bằng, mà chỉ là Hoàng, nhân vật của Nam Cao. Người ta đã nhầm về Vũ Bằng bao nhiêu năm như vậy. Chỉ có tác phẩm mới cứu được Vũ Bằng, mới thanh minh được cho ông, chứ không phải vì ông là quân báo “VC”.
Văn học trong sáng và sòng phẳng. Trong lĩnh vực này, anh tới đâu là tới đó. Không ít hơn. Cũng không nhiều hơn. Vì thế, phải hết sức bình tĩnh.
Tôi xin trích một đoạn ngắn trong Thương nhớ mười hai của nhà văn Vũ Bằng, khi ông viết cái khổ cực của người nông dân miền Bắc thời xưa ấy:
“Tháng mười gặt hái, vui vẻ như anh vừa nói là chỉ nơi đất đồng mùa. Ở những đất đồng chiêm như Nam Định, Thái Bình, Phủ Lý, tháng năm là mùa gặt hái, còn tháng mười, anh còn nhớ ra thế nào không?
Từ giữa tháng sáu, các cánh đồng chiêm biến thành những dải nước mông mênh trắng xóa. Làng mạc thành ra những cù lao nằm chơ vơ trong nước bạc, từ thôn này sang thôn nọ có khi phải đi bằng thuyền nan. Và cái cảnh trời nước mông mênh như thế kéo dài cho tới trung tuần tháng tám.
Lúc ấy, nước mới bắt đầu rút lần lần. Đó cũng là lúc người dân quê bắt đầu lo bừa vụ chiêm. Thử tưởng tượng cuối tháng chín đầu tháng mười, trời đất hanh hao, tay chân bị nẻ mà phải lội nước để cày bừa những thửa ruộng lởm chởm những gốc rạ đâm vào chân. Mà nào chỉ có thế thôi đâu, đất đồng chiêm lại nhiều giống đỉa cứ bám riết lấy chân người cày ruộng mà cắn và hút máu!
“Cày đồng đang buổi ban trưa,
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.
Đấy, tôi lại đố anh tìm được một câu dân ca nào nói lên được cái khổ cực của người dân quê hơn là câu ca dao nói về việc cày bừa tháng mười!
Tấm lòng của Vũ Bằng với người dân quê là vậy. Ông đâu phải là nhân vật Hoàng chuyên coi thường và nói xấu người dân quê mà người ta đã “bé cái nhầm”. Vũ Bằng là một nhà văn lớn của văn học Việt Nam trong thế kỷ 20.
Nếu chỉ để lại cho đời riêng một tác phẩm Thương nhớ mười hai thôi, Vũ Bằng đã là nhà văn bất tử.