Sau bài viết “Hàng ngoại nhập giá rẻ ‘bức tử’ hàng Việt”, nhiều bạn đọc cho biết “muốn ủng hộ hàng Việt nhưng đành mua hàng Trung Quốc”.
Muốn mua hàng Việt lắm, nhưng…
Bạn đọc Lê Nga cho biết dạo gần đây cũng hay săn hàng Trung Quốc trên các sàn thương mại điện tử vì hàng Trung Quốc rẻ hơn, đẹp hơn, đa dạng mẫu mã.
“Rõ ràng tiền mình làm ra không dễ, vậy thì cứ sản phẩm nào ngon, bổ, rẻ… thì chọn thôi. Vì vậy mong các doanh nghiệp, nhà sản xuất, kinh doanh của Việt Nam hãy đứng trên góc độ của người tiêu dùng để sản xuất, kinh doanh”, bạn đọc Lê Nga nhấn mạnh.
Lý giải việc chọn mua hàng Trung Quốc, bạn đọc Rayluan cho biết kinh tế khó khăn, vật giá leo thang trong khi lương vẫn giậm chân tại chỗ thì người tiêu dùng tất nhiên sẽ chọn lựa hàng hóa nào rẻ.
“Hôm qua tôi nhận được một ổ cắm điện kèm dây dài 3m mà giá có 15.000 đồng, mất 1 tuần chuyển theo Shopee từ Trung Quốc về Việt Nam”, bạn Dan kể.
Bạn đọc có tên Lão Hạc cho biết cũng muốn mua hàng Việt trên sàn thương mại điện tử trong nước để ủng hộ nhưng tiền phí giao hàng quá nhiều. Một món hàng nhỏ phí ship khoảng 30.000 đồng, hai món thì gấp đôi… Đơn hàng hơn 400.000 đồng thì phí ship có khi lên tới hơn 500.000 đồng.
So sánh chi phí giao hàng từ Trung Quốc về TP.HCM có 18.000 đồng, trong khi Hà Nội vô TP.HCM hết 35.000 – 36.000 đồng, bạn đọc Lucas nói: “Người tiêu dùng ai cũng thế thôi: ngon, bổ, rẻ thì mua. Các nhà sản xuất Việt Nam hãy nghiên cứu để làm ra sản phẩm đa dạng, đẹp, rẻ như họ”.
Tuy nhiên, dù hay xài hàng Trung Quốc nhưng bạn đọc Hiếu Nhóc cho biết chỉ được khoảng vài tháng thì hàng hư hỏng.
“Đồ Trung Quốc công nhận rẻ, đẹp, đa dạng, nhưng nếu chấp nhận mau hư thì cứ dùng”, bạn đọc này viết.
Làm sao kiểm soát hàng nhập?
Bạn đọc Thanh cho rằng nếu các cơ quan quản lý không có giải pháp kịp thời, không riêng gì mặt hàng tiêu dùng thiết yếu mà các loại sản phẩm khác từ Trung Quốc cũng dần thay thế hàng hóa trong nước.
Hiến kế giải pháp, bạn đọc Lan Anh cho rằng chỉ cần tăng kiểm soát hàng hóa bằng hàng rào kỹ thuật là đã có thay đổi lớn, có thể học hỏi từ các quốc gia Âu, Mỹ và thậm chí Trung Quốc. Nếu làm được sẽ làm giảm tốc độ, khối lượng hàng nhập.
“Việt Nam chưa mạnh về năng lực thử nghiệm để bảo hộ sản xuất và thị trường trong nước, cũng như kiểm soát chặt sản phẩm nhập khẩu.
Do đó, cần sớm nâng cấp và bổ sung xây dựng mới hệ thống phòng thử nghiệm, đầu tư trang thiết bị, nâng cao năng lực”.
Ngoài ra, theo bạn đọc này, việc nâng cao năng lực về pháp luật quốc tế cũng rất quan trọng.
Giải pháp áp thuế chống bán phá giá, không miễn thuế cho hàng hóa giá trị từ 5 USD trở lên, kiểm soát livestream chặt chẽ (yêu cầu hàng nhập khẩu phải được kiểm định chất lượng, người livestream được cấp phép, thuốc phải có thử nghiệm lâm sàng…).
Bạn đọc Nguyễn Văn Hiến cho rằng hàng Trung Quốc giá rẻ tràn ngập thị trường sẽ làm doanh nghiệp sản xuất nhỏ lẻ trong nước có nguy cơ phá sản, người dân mất việc làm, Nhà nước mất tiền thuế.
Tuy nhiên, vấn đề này khó giải quyết ở tầm doanh nghiệp, ở khía cạnh tiêu dùng và trong ngắn hạn.
“Ngăn chặn cơn lốc hàng nhập giá rẻ bằng hàng rào thuế quan thì chưa đủ, kêu gọi người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt thì chưa khả thi. Vì vậy, cần một quyết sách rộng hơn, lớn hơn và ảnh hưởng sâu rộng hơn đến toàn bộ nền kinh tế”, bạn đọc Hiến đánh giá.
Dù khẳng định chính sách trong việc kiểm soát hàng nhập đóng vai trò lớn nhưng bạn đọc Tran Thu cho rằng chủ trương hội nhập sâu rộng, vì thế hàng hóa nước ngoài tràn ngập với giá rẻ, mẫu mã đa dạng, phong phú là chuyện bình thường.
“Hãy nghĩ làm sao chiếm lĩnh thị trường trong nước với hàng hóa chất lượng, giá cả cạnh tranh, phân phối giao hàng nhanh chóng, đổi mới dây chuyền công nghệ và làm tốt khâu hậu dịch vụ”, bạn đọc Tran Thu đề xuất giải pháp.