Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe tinh thần tích hợp Vinmec Instances Metropolis, cho biết rối loạn lo âu có tính chất tích lũy, khi vượt qua mức chịu đựng, các triệu chứng rối loạn sẽ khởi phát lên: Đau đầu, mất ngủ, bực bội, cáu gắt, mệt mỏi…
Theo bác sĩ Đỗ Quốc Quỳnh Như, Phòng khám Tâm thể trị liệu, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, rối loạn lưỡng cực có tính di truyền cao. Các nghiên cứu cho thấy có tới 60-80% nguy cơ mắc bệnh là do yếu tố di truyền, đặc biệt nếu trong gia đình có người mắc bệnh.
Bên cạnh đó, sự mất cân bằng của các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine, serotonin và norepinephrine cũng có liên quan mật thiết đến các loại bệnh lý rối loạn này.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh
Bác sĩ Quỳnh Như cho biết, một nguyên nhân khác cũng ảnh hưởng nhiều đến việc hình thành các biểu hiện bất thường trong tâm lý người bệnh là yếu tố môi trường. Hầu hết các chứng rối loạn nêu trên đều có khả năng bắt nguồn từ môi trường bên ngoài như chấn thương tâm lý trong quá khứ, lạm dụng chất kích thích, lối sống ít vận động và các mối quan hệ căng thẳng cũng có thể góp phần vào nguy cơ gây trầm cảm.
Tuy nhiên, một số bệnh lý về nội tiết, chẳng hạn như rối loạn tuyến giáp (suy giáp hoặc cường giáp), cũng có thể gây thay đổi tâm trạng, giấc ngủ và mức độ năng lượng. Đây là những yếu tố cần được cân nhắc trước khi đưa ra chẩn đoán tâm lý.
Chủ động thay đổi lối sống để giảm thiểu hậu quả
Theo bác sĩ Quỳnh Như, nếu không điều trị, các chứng trầm cảm và rối loạn sẽ kéo dài âm ỉ, với cường độ dày đặc hơn, khó dứt điểm. Điều này ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng tới nhiều phương diện của cuộc sống như: Công việc, mối quan hệ xã hội, sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của người bệnh, thậm chí có thể tăng nguy cơ phát sinh nhiều bệnh lý như tim mạch, tiểu đường, béo phì… làm tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh xấu đi, kèm theo nhiều nguy cơ tự tổn thương đáng lo ngại khác.
Do đó, bên cạnh việc tuân thủ các điều trị chuyên môn, bác sĩ Quỳnh Như khuyến khích người bệnh nên tham gia vào các hoạt động thể chất như thiền, hít thở sâu và yoga để thư giãn hệ thần kinh, cải thiện sự tự kiểm soát cảm xúc. Các bài tập cardio như đi bộ, chạy bộ, bơi lội có thể giúp tăng sản xuất endorphin, giúp cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng.
Ngoài ra, cần chú trọng xây dựng lối sống lành mạnh, duy trì chế độ ăn uống nhiều trái cây, rau, các chất béo tốt, tránh tiêu thụ quá nhiều caffeine và đường vì chúng có thể ảnh hưởng đến tâm trạng. Rối loạn giấc ngủ làm tăng nguy cơ các rối loạn tâm lý. Người bệnh cũng nên tuân thủ một lịch trình ngủ đều đặn và tạo một môi trường yên tĩnh, thoải mái để giấc ngủ chất lượng hơn.
“Ghi chép về những điều tích cực, dù nhỏ, cũng sẽ giúp người bệnh duy trì cái nhìn lạc quan và cảm giác hài lòng. Chấp nhận tình trạng hiện tại và cảm giác của bản thân là bước quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe tinh thần, giúp giảm áp lực và căng thẳng, đồng thời tăng cường lòng tự trọng”, bác sĩ Quỳnh Như chia sẻ.
Tương tự, bác sĩ Trung Nghĩa cho rằng, quan trọng là kiểm soát ngưỡng. “Mấu chốt trong vấn đề kiểm soát các chứng rối loạn và lo âu là giữ cho ngưỡng căng thẳng thấp hơn ngưỡng chịu đựng. Như vậy, có 2 hướng để tránh các biểu hiện của rối loạn, lo lắng quá mức: Một là thẳng thắn đối mặt, làm quen với các vấn đề gây căng thẳng để nâng ngưỡng chịu đựng. Hai là giữ cho ngưỡng căng thẳng ở mức thấp nhất có thể thông qua thực hành chánh niệm, ngồi thiền, luyện tập hít thở, tập thể dục, nghỉ ngơi thường xuyên… để hệ thần kinh được thư giãn”, bác sĩ Trung Nghĩa chia sẻ.