Gần đây, nhiều bức ảnh chụp thanh thiếu niên Việt Nam tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự của Cộng Sản Việt Nam ở Hà Nội, thể hiện hành vi vô ý thức, chế giễu và miệt thị lá cờ vàng ba sọc đỏ – quốc kỳ của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) trước đây – đã làm dấy lên tranh luận mạnh mẽ trên mạng xã hội. Hành vi này được một số người thiếu giáo dục, cổ súy, coi là “yêu nước”, nhưng cũng bị không ít người chỉ trích là biểu hiện của sự cực đoan, thiếu văn hóa, và không tôn trọng lịch sử.
Tranh Cãi Nảy Lửa Trên Mạng Xã Hội
Hành động chế giễu, bao gồm các cử chỉ như giơ ngón tay giữa, khoanh tay biểu thị “xóa bỏ”, hoặc ra hiệu “im lặng”, đã nhận được hàng chục ngàn lượt “yêu”, “thích” trên các trang Fb như TOP Feedback, Man TV, Vấn Đề Đa Chiều, Tôi Yêu Công An Nhân Dân Việt Nam… Nhiều bình luận khen ngợi đây là hành động “yêu nước” và thậm chí khuyến khích nhân rộng.
Tuy nhiên, luồng ý kiến phản đối cũng mạnh mẽ không kém. Một số người cho rằng bảo tàng là nơi ghi lại lịch sử, và hiện vật – dù liên quan đến chế độ nào đi nữa, thắng hay thua – cần được nhìn nhận với sự tôn trọng. Nhiều ý kiến nhấn mạnh, việc miệt thị lá cờ vàng là hành động thiếu văn minh và có thể làm tổn thương những người từng sống dưới chính thể VNCH. Trong khi đó chính qyền thì luôn kêu gọi hàn gắn, nhưng đó chỉ trên mặt lý thuyết. Một số ý kiến kêu gọi hàn gắn quá khứ để cùng nhau xây dựng đất nước.
Ý Nghĩa Lịch Sử Của Lá Cờ Vàng
Cờ vàng ba sọc đỏ là quốc kỳ của Quốc gia Việt Nam từ năm 1949 và sau đó là VNCH từ 1954 đến 1975. Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, lá cờ này gắn liền với cộng đồng người Việt hải ngoại, đặc biệt tại Mỹ, và đôi khi được sử dụng trong các sự kiện chính trị phản đối chính quyền hiện tại của Việt Nam.
Việc chế giễu lá cờ vàng không chỉ mang ý nghĩa xúc phạm một phần lịch sử dân tộc mà còn làm dấy lên những lo ngại về mâu thuẫn lâu dài giữa các cộng đồng người Việt trong và ngoài nước.
Tiến sĩ Lê Minh Nam, từng sống dưới chế độ VNCH và hiện là công dân Pháp, cho rằng hành động chế giễu lá cờ vàng là hậu quả của “giáo dục một chiều”. Ông chỉ ra rằng các thế hệ trẻ ở Việt Nam đã được dạy về sự đối lập giữa “cách mạng” và “Mỹ-ngụy”, mà không có cái nhìn toàn diện hơn về lịch sử.
Ông Nam nhấn mạnh: “Lá cờ nào cũng mang theo kỷ niệm và tình cảm của một thế hệ. Khi miệt thị một lá cờ, vô tình chúng ta làm tổn thương những người từng sống dưới lá cờ đó.”
Một số ý kiến khác cũng cảnh báo rằng việc phủ nhận giá trị lịch sử của lá cờ vàng có thể gây bất lợi cho Việt Nam trong các tranh chấp chủ quyền, chẳng hạn như Hoàng Sa, nơi VNCH từng khẳng định chủ quyền trước khi bị Trung Quốc chiếm đóng vào năm 1974.
Vấn Đề “Hố Sâu Ngăn Cách”
Dù chiến tranh đã kết thúc gần nửa thế kỷ, các xung đột ý thức hệ liên quan đến cờ vàng và cờ đỏ vẫn chưa được giải quyết triệt để. Các cộng đồng người Việt ở nước ngoài vẫn giữ khoảng cách với chính quyền Việt Nam, và ngược lại, chính quyền trong nước vẫn coi cờ vàng là biểu tượng của “thế lực thù địch”.
Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Khanh và nhiều nhà hoạt động cho rằng các hành vi miệt thị chỉ làm sâu thêm “hố ngăn cách” giữa các thế hệ và cộng đồng. Họ kêu gọi xây dựng một thái độ tôn trọng quá khứ, như một phần của chiến lược đoàn kết dân tộc và ngoại giao.
Để giảm căng thẳng và khép lại quá khứ, cần có những bước tiến quan trọng trong cách giáo dục lịch sử tại Việt Nam. Việc nhìn nhận các giai đoạn lịch sử với thái độ khách quan, không định kiến, sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về sự đa dạng trong lịch sử dân tộc.
Hành động chế giễu lịch sử, dù xuất phát từ lòng yêu nước hay hiểu lầm, đều không mang lại lợi ích. Thay vào đó, sự tôn trọng và đối thoại chân thành có thể là chìa khóa để xây dựng một tương lai hòa hợp hơn cho tất cả người Việt Nam, bất kể họ sống trong nước hay ở nước ngoài.