Ngày 18.11, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức Hội thảo thông tin chuyên sâu về kinh tế quý 3 của Việt Nam và tác động kinh tế – xã hội của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các ngành công nghiệp.
Tăng thuế gián thu, giảm thuế trực thu
Phát biểu tại hội thảo, từ góc độ đơn vị tư vấn thuế, kiểm toán, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch PwC Việt Nam, cho biết, do có thuế suất cao nên dù số lượng hàng hóa chịu thuế không nhiều, thuế tiêu thụ đặc biệt chiếm tỷ trọng khá lớn trong số thu về thuế của ngân sách nhà nước, khoảng 10 – 11%.
Tại dự thảo luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), bia là một trong những ngành bị điều chỉnh nhiều nhất. Thuế suất hiện tại với ngành bia là thuế suất tỷ lệ phần trăm ở mức 65%. Trong dự thảo luật, cơ quan soạn thảo đưa ra 2 phương án gồm: phương án 1, mức thuế tăng dần từ 70% (năm 2026) đến 90% (năm 2030); phương án 2, mức thuế tăng dần từ 80% (năm 2026) đến 100% (năm 2030).
Đánh giá tác động thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đề xuất đối với ngành bia, bà Vân cho biết, theo Ngân hàng Thế giới (WB), độ co giãn của cầu theo giá (PE) tại Việt Nam đối với bia rất thấp, gần như không ảnh hưởng đến hành vi người tiêu dùng.
Yếu tố quyết định hành vi tiêu thụ dùng bia là hương vị và sở thích cá nhân. Khi thu nhập của người tiêu dùng tăng lên, người tiêu có xu hướng chuyển sang sử dụng các sản phẩm bia có mức giá cao hơn.
Phân tích các kịch bản có thể xảy ra khi thuế tiêu thụ đặc biệt tăng mạnh, theo bà Vân, sản lượng tiêu thụ giảm tự nhiên 1%/năm, mức tăng giá tự nhiên 1%/năm, PE ở mức 0,5%; nhà sản xuất tăng giá để bù đắp 50% chi phí thuế tiêu thụ đặc biệt tăng thêm.
“Đến năm 2030, tổng lượng tiêu thụ và doanh thu toàn ngành giảm mạnh, trong khi đó thu ngân sách nhà nước tăng, nhưng không bền vững. Vì vậy, cần xem xét, đánh giá cẩn trọng các tác động từ mọi khía cạnh”, bà Vân nói.
Trình bày Báo cáo đánh giá tác động kinh tế của dự thảo thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư), phân tích dự thảo luật quy định thuế suất theo tỷ lệ phần trăm, tăng theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ 2026 – 2030.
Mức giảm giá trị gia tăng (VA) ngành bia của phương án 2 gấp 1,32 lần mức giảm của phương án 1. Về tác động tới tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế, mức giảm tổng giá trị gia tăng (GVA) của phương án 2 gấp 1,3 lần tác động của phương án 1.
Về nguồn thu ngân sách nhà nước, thuế gián thu tăng ở mọi phương án, nhưng không đủ bù đắp mức độ sụt giảm GVA của nền kinh tế. Trong khi đó, thuế trực thu giảm ở mọi phương án.
Bà Thảo nhìn nhận, phương án tăng thuế với mặt hàng bia mà cơ quan soạn thảo đưa ra giúp tăng thu ngân sách trong ngắn hạn, music về dài hạn thì lại giảm nguồn thu. Làm sao phải đảm bảo nuôi dưỡng nguồn thu dài hạn, cân đối hài hòa giữa các vấn đề, đảm bảo ổn định kinh doanh. Các chính sách liên quan tới doanh nghiệp còn có thể gây ảnh hưởng tới niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
“Chính phủ có đề cập khía cạnh tăng thuế nhằm điều tiết hành vi. Tôi tin rằng, cộng đồng doanh nghiệp vẫn ủng hộ mục tiêu của Chính phủ về tăng thuế nhưng tăng ở mức nào để đảm bảo sự tồn tại của doanh nghiệp và có thể nuôi dưỡng nguồn thu, cũng như củng cố chỉ số niềm tin của các nhà đầu tư là điều phải xem xét kỹ lưỡng”, bà Thảo nhấn mạnh.
Muốn tăng thu bền vững phải thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Phúc, Giám đốc Đối ngoại của Heineken Việt Nam, cho biết, Heineken Việt Nam đóng góp 0,5% vào GDP quốc gia và 2,1% vào tổng số thuế toàn quốc, tương đương 33.000 tỉ đồng đóng góp cho ngân sách nhà nước trong toàn chuỗi giá trị.
Đề xuất tăng thuế hiện tại của Bộ Tài chính được ngành bia nhận định là mức tăng khá sốc, sẽ tác động tiêu cực đến sự ổn định, phát triển bền vững của toàn ngành và tình hình thu ngân sách tại các địa phương.
“Tôi cho rằng việc tăng thuế cần đảm bảo nguyên tắc giữ vững ổn định, hài hòa, nuôi dưỡng nguồn thu và phù hợp với các kịch bản kinh tế, đồng thời, hướng đến xây dựng một môi trường đầu tư và chính sách công có tính dự đoán được để củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài”, ông Phúc nói.
Để tạo môi trường ổn định cho các ngành công nghiệp phục hồi, Heineken Việt Nam kiến nghị giữ nguyên mức thuế tiêu thụ đặc biệt trong một năm kể từ năm 2026 khi luật sửa đổi bắt đầu hiệu lực, tức lần tăng thuế đầu tiên sẽ vào năm 2027.
Sau đó, để người tiêu dùng dần thích nghi với mức giá mới do việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, sau mỗi 2 năm thì tăng thuế một lần và mỗi lần tăng 5%, đến năm 2031 tăng tối đa đến 80% và duy trì ổn định.
Bà Vân phân tích, cơ cấu thuế của Việt Nam hiện nay tập trung thu nhiều vào thuế gián thu, thuế đất… Theo thống kê, tổng thu thuế của Việt Nam hiện chỉ có 15% thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi ở các nước phát triển, con số này là 30 – 40%.
“Tăng thuế chỉ là một trong những biện pháp tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, nhưng không phải là giải pháp bền vững. Để nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài, doanh nghiệp phải có điều kiện mở rộng sản xuất, làm ăn có lãi, người dân có thu nhập cao.
Trên thực tế, có nhiều biện pháp nhằm điều chỉnh hành vi tiêu dùng hiệu quả hơn so với tăng thuế với mặt hàng bia; cần xem xét, đánh giá cẩn trọng các tác động từ mọi khía cạnh, giãn tiến độ tăng thuế”, bà Vân bày tỏ quan điểm.
Nhiều ý kiến tại hội thảo đề xuất các doanh nghiệp ngành đồ uống nói chung và ngành bia nói riêng cần nghiên cứu đa dạng hóa, cơ cấu lại sản phẩm; đầu tư, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới có lợi cho sức khỏe.
“Các doanh nghiệp cũng phải cấu trúc lại hoạt động quản trị, sản xuất, kinh doanh để tiết giảm chi phí, từ đó giúp giảm giá thành sản phẩm, duy trì thị trường”, bà Thảo nhấn mạnh.
Tại dự thảo luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất giữ nguyên mô hình thuế tương đối và tăng thuế suất theo lộ trình đến năm 2030 cho sản phẩm bia theo 2 phương án.
Phương án 1: năm 2026 là 70%, năm 2027 là 75%, năm 2028 là 85%; năm 2029 là 85% và năm 2030 là 90%. Phương án 2: năm 2026 là 80%; năm 2027 là 85%; năm 2028 là 90%; năm 2029 là 95% và 2030 là 100%.
Theo chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 22.11 tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự thảo luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Cùng ngày, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về nội dung này.